Lượt xem: 0

Tìm hiểu và nghiên cứu nội dung kỹ thuật về khởi động từ, khởi động mềm và biến tần

Khởi động từ, khởi động mềm và biến tần được biết đến như là những thiết bị quan trọng trong hệ thống điều khiển động cơ điện, giúp tối ưu hóa hiệu suất và bảo vệ động cơ trong quá trình vận hành. 
Khởi động từ thường được sử dụng để bật tắt động cơ điện, giúp điều khiển nguồn điện một cách an toàn và hiệu quả. Khởi động mềm giúp giảm dòng khởi động, bảo vệ động cơ khỏi những cú sốc điện, đồng thời cho phép khởi động và dừng động cơ một cách mượt mà. Biến tần không chỉ điều chỉnh tốc độ và mô men của động cơ mà còn tiết kiệm năng lượng bằng cách điều khiển tần số và điện áp đầu vào.
Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu chuyên sâu chức năng và cách thức hoạt động của khởi động từ, khởi động mềm và biến tần để bạn có thể đưa ra lựa chọn mua sản phẩm phù hợp với nhu cầu công việc của bạn!

1. Khởi động từ (Contactor)

Khái niệm của khởi động từ

Khởi động từ (Contactor) đây là một khí cụ điện hạ áp, cực kỳ quan trọng trong các hệ thống điện, có khả năng thực hiện đóng, cắt thường xuyên các mạch điện động lực.

Cấu tạo của khởi động từ

Cấu tạo của khởi động từ bao gồm nam châm điện, hệ thống tiếp điểm và hệ thống dập hồ quang, cụ thể:

Nam châm điện: Có 1 lõi thép, 1 lò xo để đẩy lõi nắp dịch chuyển về vị trí ban đầu, cuộn dây để tạo ra lực hút nam châm. Chức năng của nam châm điện là tạo ra một từ trường.

Hệ thống tiếp điểm: Có tiếp điểm chính (tiếp điểm thường hở, đóng lại khi cấp nguồn vào mạch từ của khởi động từ ở trong tủ điện làm mạch từ hút lại, có khả năng cho dòng điện lớn đi qua) và tiếp điểm phụ (có 2 trạng thái thường đóng và thường mở, có khả năng cho dòng điện đi qua các tiếp điểm nhỏ hơn 5A).

Hệ thống dập hồ quang: Do chuyển mạch liên tục, hồ quang điện sẽ xuất hiện làm các tiếp điểm dễ bị cháy và hao mòn dần nên cần hệ thống dập hồ quang.

Cấu tạo của khởi động từ

Nguyên lý hoạt động của khởi động từ

Khởi động từ (hay còn gọi là Contactor) hoạt động với nguyên lý cung cấp nguồn điện vào mạch điện, điều khiển bằng giá trị điện áp định mức của công tắc tơ và khởi động. Lúc này dòng điện sẽ đến 2 đầu cuộn dây quấn cố định trên lõi từ, một từ trường được sinh ra, lực từ xuất hiện hút lõi dịch chuyển và hình thành mạch từ kín. 

Khi đó, khởi động từ ở trạng thái hoạt động, các tiếp điểm chính sẽ đóng, tiếp điểm phụ chuyển đổi trạng thái và duy trì (khi thường hở sẽ đóng lại và khi thường đóng sẽ mở ra).

Khi chúng ta ngắt dòng điện vào mạch, khởi động từ cũng bị ngắt điện theo. Dưới tác dụng của lò xo nén, phần lõi di động trở về vị trí ban đầu. Đồng thời, các tiếp điểm trở sẽ trở về trạng thái thường hở và động cơ lúc này sẽ ngừng hoạt động.

Sơ đồ đấu nối cho khởi động từ 3 pha

Sơ đồ đầu nối khởi động từ

MCB: (Miniature Circuit Breaker) là cầu dao tự động dạng tép

: tiếp điểm chính của contactor

: tiếp điểm phụ của contactor

OL: over load relay

: coil-contactor là cuộn dây của contactor

: tiếp điểm thường đóng của relay

Phân loại của khởi động từ

- Theo nguyên lý truyền động: Các loại của khởi động từ được phân thành nhiều kiểu khác nhau ví dụ như: khởi động từ kiểu điện từ, kiểu thủy lực, kiểu hơi ép. Trong đó khởi động từ kiểu điện từ được sử dụng phổ biến hơn cả.

- Theo dạng dòng điện: Loại này sẽ có cả khởi động từ một chiều và khởi động từ xoay chiều.

- Theo kết cấu: Loại khởi động từ dùng ở nơi hạn chế chiều cao và khởi động từ dùng ở nơi hạn chế chiều rộng.

- Theo điện áp: Được chia thành công tắc tơ hạ thế, công tắc tơ trung thế.

- Theo dòng điện định mức: Có các dòng điện nhỏ từ dòng điện nhỏ như: 6A, 9A, 12A, 18A,… hoặc dòng điện lớn như: 600A, 800A, 900A.

- Theo chức năng: Có các kiểu công tắc tơ chuyên dùng cho tụ bù, dùng cho motor, kiểu chống bụi hoặc nước,…

Tác dụng của khởi động từ

Trong công nghiệp tác dụng của khởi động từ thường được sử dụng để điều khiển vận hành các động cơ hay thiết bị điện, để an toàn khi vận hành. Đây là một giải pháp tự động hóa bằng phương pháp cơ điện. Phương pháp này không xử lý những quá trình phức tạp nhưng nó đơn giản và ổn định cao dễ sửa chữa.

- Hệ thống đèn chiếu sáng sử dụng PLC hoặc relay nhiệt cài đặt thời gian, có thể tự động bật tắt đèn chiếu sáng theo giờ, ngày đã quy định.

- Điều khiển động cơ để motor khởi động trực tiếp hoặc kết hợp với một số relay nhiệt để bảo vệ cho motor khi phải làm việc quá nhiều.

- Điều khiển tụ bù có mục đích đóng hoặc cắt các cấp của tụ bù để phù hợp với tải làm việc.

Ưu điểm của khởi động từ

- Đảm bảo an toàn nhờ có chế độ đóng ngắt từ xa, đồng thời trong những hệ thống độc hại sẽ có lớp vỏ để ngăn chặn hồ quang phóng ra ngoài.

- Thiết kế gọn nhẹ và chắc chắn, có thể lắp đặt ở nhiều vị trí khác nhau và tận dụng tối đa các không gian chật hẹp.

- Giá thành phải chăng, dễ dàng tìm mua trên thị trường nên ai cũng có thể sử dụng.

- Thời gian đóng cắt điện nhanh chóng, hỗ trợ tiết kiệm điện năng tiêu thụ hiệu quả.

- Những tiếp điểm chính, tiếp điểm phụ của contactor có khả năng chịu ăn mòn cao, chống mài mòn tốt.

- Được dùng rộng rãi trong các khu công nghiệp, nhà máy, xưởng sản xuất,...

Nhược điểm của khởi động từ

- Nhược điểm của phương pháp khởi động từ này chính là dòng điện mở máy khá lớn và nếu quán tính của những dòng tải khá lớn sẽ làm cho dòng điện mở máy kéo dài hơn.

- Đặc biệt nó có thể làm cho những động cơ điện bị phát nóng và các động cơ khởi động không êm, chính điều này sẽ ảnh hưởng đến các lưới điện áp vì thời gian bị giảm áp bị quá lâu. Ngoài ra, khi sử dụng phương pháp này sẽ kéo theo các động cơ phức tạp hơn như vận hành khó hơn, bảo quản phức tạp cho các roto lồng sóc.

2. Relay nhiệt (Thiết bị hỗ trợ của khởi động từ)

Relay nhiệt là gì

Relay nhiệt được hiểu là một thiết bị dùng để bảo vệ các mao mạch điện để tránh gây hư hỏng cho hệ thống điện khi dòng điện bị quá tải, tăng lên đột ngột hay bị rò ra bên ngoài.

Relay nhiệt là một thiết bị điện tử được sử dụng trong các ứng dụng điện để bảo vệ hệ thống khỏi quá tải nhiệt độ. Chúng có chức năng theo dõi nhiệt độ của hệ thống và ngắt điện hoặc tắt hệ thống tự động khi nhiệt độ của hệ thống vượt quá giới hạn được đặt ra. Điều này giúp giảm thiểu nguy cơ hỏa hoạn và sự hư hại cho hệ thống, từ đó đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Relay nhiệt

Cấu tạo của Relay nhiệt

Relay nhiệt được cấu tạo đơn giản với các bộ phận chính gồm:

- Đòn bẩy có trong relay nhiệt.

- Tiếp điểm thường đóng được ký hiệu là NC.

- Tiếp điểm thường mở viết tắt là NO.

- Vít chỉnh ngăn dòng điện tác động.

- Thanh lưỡng kim của relay nhiệt.

- Dây đốt nóng có trong relay nhiệt.

- Cần gạt relay nhiệt.

- Nút phục hồi được kí hiệu là reset.

Cấu tạo Relay nhiệt

Nguyên lý hoạt động của Relay nhiệt

Cơ chế hoạt động của relay nhiệt là khi dòng điện quá tải hoặc thiết bị điện hoạt động liên tục sẽ sản sinh ra một nhiệt lượng rất lớn tác động lên thanh kim loại. Điều này sẽ làm relay có hiện tượng bị giãn nở, hở mao mạch và đồng thời ngắt điện để hạn chế mức độ nguy hiểm khi mọi người sử dụng.

Phân loại của Relay nhiệt

Theo pha:
Relay nhiệt 1 pha: Thiết bị relay nhiệt một pha được nhiều hộ gia đình sử dụng cho dòng điện có động cơ 220V để đảm bảo an toàn cho mọi thành viên cũng như hệ thống điện trong nhà. Ngoài ra, dòng sản phẩm này còn có thể giám sát các quá trình hoạt động để ngăn chặn rủi ro có thể xảy ra khi có sự cố chập cháy động cơ bên trong.
Relay nhiệt 3 pha: Dòng sản phẩm 3 pha là một trong những thiết bị điện có công suất lớn nhất từ 3kw, 4kw cho đến 4.5kw. Relay nhiệt 3 pha thường được sử dụng trong công nghiệp để đảm bảo hiệu suất mà dòng điện có thể cung cấp. Ngoài ra, khi gặp sự cố thì relay sẽ có nhiệm vụ tắc nguồn điện lực ra khỏi động cơ để giảm thiểu mọi nguy hiểm.
Theo chân:

Relay 1 chân: Loại relay này thường chỉ có một chân để kết nối nguồn, không phổ biến lắm trong các ứng dụng công nghiệp.
Relay 2 chân: Thường được sử dụng trong các mạch đơn giản, có chức năng đóng hoặc ngắt một mạch điện duy nhất.
Relay 3 chân: Có thể kết nối với một mạch nguồn và một mạch tải, thường dùng để điều khiển một thiết bị.
Relay 4 chân: Loại này cho phép điều khiển nhiều mạch, với khả năng đóng/ngắt đồng thời cho nhiều thiết bị.
Relay 5 chân trở lên: Sử dụng trong các ứng dụng phức tạp, có thể có nhiều chức năng và chế độ hoạt động khác nhau, như relay đa điểm hoặc relay điều khiển tự động.

Ứng dụng của Relay nhiệt

Relay nhiệt là thiết bị quan trọng trong các hệ thống điện lớn, bao gồm các máy móc công nghiệp, hệ thống điều hòa không khí và hệ thống điện nhà ở. Khi nhiệt độ của hệ thống vượt quá giới hạn quy định, relay sẽ phát hiện và tắt nguồn điện đầu vào. Việc tắt nguồn điện này sẽ giúp hệ thống dừng lại và ngăn chặn khỏi bị phá hủy.
Hơn nữa, relay cũng được sử dụng để giảm thiểu nguy cơ gây hỏa hoạn. Trong một số trường hợp, quá tải nhiệt độ có thể dẫn đến môi trường cháy nổ và gây hỏa hoạn. Khi phát hiện tình trạng này, chúng sẽ ngay lập tức tắt nguồn để giảm thiểu nguy cơ gây hỏa hoạn. Nhờ vào chức năng này, relay nhiệt hỗ trợ bảo vệ cho hệ thống điện và an toàn cho người sử dụng.

3. Khởi động mềm (Soft Start)

Khái niệm của khởi động mềm

Khởi động mềm hay còn có tên tiếng Anh là Soft Start là khí cụ điện điện dùng để hỗ trợ quá trình khởi động động cơ không đồng bộ 3 pha công suất trung bình và lớn. Giúp bảo vệ động cơ khỏi hư hại do dòng khởi động lớn và đột ngột, và tránh sụt áp hệ thống lưới điện làm hư hại các thiết bị điện khác trên cùng lưới và ảnh hưởng về cơ khí.

Công dụng của khởi động mềm

- Khởi động mềm giúp làm giảm đi những ảnh hưởng nhiều cho các thiết bị máy móc, từ đó giúp cho chi phí bảo trì được giảm một cách đáng kể.
- Khi nói đến khởi động mềm thì một trong những công dụng lớn nhất là khả năng điều chỉnh mô men một cách rất chính xác khi cần thiết cho dù ứng dụng là tải hay không.
- Bên cạnh đó, công dụng khá nổi bật của bộ Soft Starter là chức năng dừng mềm, chức năng này thực sự hữu ích khi dừng bơm, nơi xảy ra các hiện tượng búa nước khi dừng trực tiếp như trong khởi động sao, khởi động tam giác và khởi động trực tiếp.
- Chức năng dừng mềm cũng rất hữu ích khi dừng băng tải vận chuyển các vật liệu dễ vỡ, có thể bị hư hỏng khi các vành đai dừng quá nhanh.
- Cho phép động cơ dừng tự do theo quán tính, để ứng phó với tình huống điện áp cấp vào bị ngừng trực tiếp, thì động cơ vẫn có thể tiếp tục dừng lại theo quán tính vòng quay của động cơ, trong khoảng thời gian xác định. 
- Cho phép động cơ dừng mềm, từ đó điện áp của động cơ có thiết bị khởi động mềm sẽ giảm từ từ và trong khoảng từ 1
– 20 giây (tùy thuộc vào yêu cầu)

- Tiết kiệm được nhiều năng lượng hơn khi động cơ vận hành không tải hoặc non tải, bởi khởi động mềm giúp giảm dòng điện áp động cơ tới giá trị U0, từ đó giúp giảm điện áp, giảm dòng điện, giảm chi phí tối đa.

Cấu tạo của khởi động mềm

Cấu tạo của khởi động mềm (Soft Start) bao gồm:
- Bộ phận điều khiển (tùy loại có màn hình và bàn phím hoặc điều khiển bằng vít hay cài đặt bằng vặn biến trở)
- Thyristor hay SCR (Silicon controler rectifier) dùng để điều khiển, đóng ngắt dòng điện
- Tản nhiệt và quạt làm mát
- Vỏ bảo vệ tùy loại theo các tiêu chuẩn bảo vệ do môi trường sử dụng
- Contactor Bypass (tùy theo từng loại khởi động mềm có sẵn hay không có sẵn)
- Bộ phận điều khiển: điều khiển số hoặc cơ khí, các ngõ ra chức năng relay báo trạng thái, điều khiển bảo vệ chống quá nhiệt, quá tải, các cổng kết nối truyền thông Modbus, Profibus, điều khiển thời gian khởi động bằng biến trở hay bằng màn hình

Cấu tạo của khởi động mềm

Nguyên lý hoạt động của khởi động mềm

- Nguyên lý hoạt động chính của thiết bị khởi động mềm là tác động giúp hoạt động động cơ thông qua việc điều khiển điện áp cấp vào động cơ khi khởi động và dừng, có nghĩa là thay đổi trị số hiệu dụng của điện áp. Vì mô-men động cơ tỉ lệ với bình phương của điện áp, nhưng điện áp lại tỉ lệ thuận với dòng điện, mô-men gia tốc, chính vì vậy, điều chỉnh dòng điện cấp vào khi động cơ khởi động sẽ điều chỉnh được trị số hiệu dụng của điện áp.

- Trong cấu tạo của mỗi một thiết bị khởi động mềm sẽ bao gồm 3 cặp thyristor (SCR) đấu song song ngược với nhau. Khi thiết bị ở trạng thái đóng/ngắt, các cặp thyristor này sẽ ngăn không cho dòng điện chạy qua.

- Nhưng ngược lại, khi thiết bị ở trạng thái mở, thì các cặp thyristo sẽ mở dần góc kích của các van bán dẫn, để dòng điện chạy qua nhưng ngăn không cho dòng điện chạy qua đồng thời ồ ạt, mà từ từ, vừa cung cấp năng lượng cho động cơ khởi động, vừa giúp động cơ tăng tốc từ từ, không quá nhanh khiến hệ thống điện sụt áp.

- Còn phần góc mở của van bán dẫn chính là “chìa khóa” để điều chỉnh điện áp cấp vào thiết bị và động cơ. Van mở từ từ cho đến khi được mở hoàn toàn thì điện áp sẽ đạt tới giá trị điện áp định mức là lớn nhất, cũng là lúc động cơ đã đạt đến tốc độ tối đa và vận hành ổn định.

- Khi động cơ đã đạt đến tốc độ giới hạn định mức, tính năng Contactor bypass của khởi động mềm sẽ tự động đóng lại, mà không cần thông qua bộ thyristor.

Sơ đồ đấu nối cho khởi động động cơ 3 pha bằng khởi động mềm

Cấu tạo của khởi động mềm

MCB: (Miniature Circuit Breaker) là cầu dao tự động dạng tép
: tiếp điểm chính của contactor
 OL: tiếp điểm phụ của contactor
 OL: over load relay
: coil-contactor là cuộn dây của contactor
   : tiếp điểm thường đóng của relay

Sơ đồ đầu nối của khởi động mềm
Sơ đồ đầu nối của Khởi động mềm

Ưu điểm của khởi động mềm

- Hỗ trợ quá trình khởi động, giảm sụt áp điện lưới

- Nhỏ gọn hơn, tiết kiệm chi phí đầu tư hơn nếu so với biến tần cùng công suất

- Có thể dùng kết hợp với động cơ để điều chỉnh tốc độ động cơ

- Có thể tự điều chỉnh trơn, phạm vi điều chỉnh rộng, có thể dừng mềm, tăng tốc từ từ,…

- Có đầy đủ tính năng bảo vệ động cơ và mạng lưới điện khi xảy ra hiện tượng như quá dòng, quá áp, mất pha, đảo pha,… giúp động cơ bền bỉ hơn, bảo vệ các thiết bị kết nối với hệ thống điện

- Tiết kiệm năng lượng, chi phí hóa đơn điện hiệu quả

- Tăng tuổi thọ động cơ và các chi tiết thiết bị cơ khí

Nhược điểm của khởi động mềm

- Không phù hợp lắm với các động cơ lớn, khởi động nặng nề, khởi động quá khó khăn, vì khoảng điều chỉnh thời gian tăng – giảm tốc tương đối hẹp

- Khó thi công, khó bảo trì – bảo dưỡng

- Vì sử dụng theo nguyên lý thay đổi điện áp đầu vào để thay đổi tốc độ động cơ nên có thể khiến mô-men khởi động yếu, nên cần biết cách lựa chọn khởi động mềm phù hợp

Ứng dụng của khởi động mềm

- Khởi động mềm thường được sử dụng để khởi động các động cơ có công suất trung bình lớn không đòi hỏi thay đổi được tốc độ hay đảo chiều động cơ trong quá trình hoạt động.

- Các bộ khởi động mềm được sử dụng trong các ứng dụng chỉ yêu cầu kiểm soát tốc độ và mô-men xoắn trong khi khởi động. Hoặc khi có yêu cầu giảm dòng khởi động lớn liên quan đến động cơ lớn.

- Trong các ứng dụng bơm, khởi động mềm có thể tránh tăng áp.

- Khởi động mềm có thể được thiết lập theo yêu cầu của từng ứng dụng. Một số bộ khởi động mềm bao gồm quá trình “học” để tự động điều chỉnh cài đặt điều khiển theo các đặc điểm của tải động cơ, để giảm yêu cầu khởi động nguồn khi bắt đầu.

- Khởi động mềm được nhìn thấy trong các máy bay trực thăng R/C điện, và cho phép các cánh quạt quay tự động một cách trơn tru, có kiểm soát thay vì tăng đột ngột.

- Trong tất cả các hệ thống, khởi động mềm sẽ hạn chế dòng vào và do đó cải thiện tính ổn định của nguồn điện và sụt áp thoáng qua có thể ảnh hưởng đến các phụ tải khác.

- Khởi động mềm thay thế cho các cách khởi động trực tiếp hoặc mạch sao tam giác.

- Hệ thống băng tải có thể được khởi động trơn tru, tránh giật và căng thẳng cho các bộ phận truyền động.

- Quạt hoặc các hệ thống khác có ổ đĩa vành đai có thể được khởi động chậm để tránh trượt đai.

4. Biến tần (Inverter)

Khái niệm biến tần

Biến tần (Inverter) là một thiết bị điện tử mạnh mẽ, có khả năng biến đổi nguồn năng lượng điện từ dòng một chiều (DC) hoặc dòng xoay chiều (AC) ở một tần số và pha nhất định thành dòng xoay chiều với tần số và pha khác. Với khả năng điều chỉnh tần số từ 1Hz cho đến 50Hz, thậm chí lên đến 400Hz cho các động cơ tốc độ cao như CNC, biến tần mở ra một thế giới mới trong việc kiểm soát động cơ.
Trong các ứng dụng công nghiệp, biến tần không chỉ giúp điều chỉnh tốc độ động cơ mà còn cho phép đảo chiều quay, giảm dòng khởi động, giảm độ rung và tiết kiệm năng lượng một cách hiệu quả. Sự linh hoạt và tính năng ưu việt của biến tần khiến nó trở thành một phần không thể thiếu trong các hệ thống tự động hóa hiện đại, mang lại hiệu suất tối ưu và giảm thiểu chi phí vận hành.

Cấu tạo của biến tần

- Biến tần được cấu tạo từ các bộ phận có chức năng nhận nguồn điện có điện áp đầu vào cố định với tần số cố định, từ đó biến đổi thành nguồn điện có điện áp và tần số biến thiên ba pha có thể điều khiển.
Một số bộ phận chính:
- Bộ chỉnh lưu: Phần đầu tiên trong quá trình biến điện áp đầu vào thành đầu ra mong muốn cho động cơ là quá trình chỉnh lưu. Điều này đạt được bằng cách sử dụng bộ chỉnh lưu cầu đi-ốt sóng toàn phần.
- Tuyến dẫn một chiều: Tuyến dẫn một chiều là một giàn tụ điện lưu trữ điện áp một chiều đã chỉnh lưu. Một tụ điện có thể trữ một điện tích lớn, nhưng sắp xếp chúng theo cấu hình tuyến dẫn một chiều sẽ làm tăng điện dung. Điện áp đã lưu trữ sẽ được sử dụng trong giai đoạn tiếp theo khi IGBT tạo ra điện năng cho động cơ.
- IGBT: Thiết bị IGBT được công nhận cho hiệu suất cao và chuyển mạch nhanh. Trong biến tần, IGBT được bật và tắt theo trình tự để tạo xung với các độ rộng khác nhau từ điện áp tuyến dẫn một chiều được trữ trong tụ điện.
- Bộ kháng điện xoay chiều: Bộ điện kháng dòng xoay chiều là cuộn cảm hoặc cuộn dây. Cuộn cảm lưu trữ năng lượng trong từ trường được tạo ra trong cuộn dây và chống thay đổi dòng điện.
- Bộ điện kháng một chiều: Bộ điện kháng một chiều giới hạn tốc độ thay đổi dòng tức thời trên tuyến dẫn một chiều. Việc giảm tốc độ thay đổi này sẽ cho phép bộ truyền động phát hiện các sự cố tiềm ẩn trước khi xảy ra hỏng hóc và ngắt bộ truyền động ra.
- Điện trở hãm: Lượng điện thừa tạo ra cần phải được xử lý bằng cách nào đó. Điện trở được sử dụng để nhanh chóng “đốt cháy hết” lượng điện thừa này được tạo ra bởi hiện tượng này bằng cách biến lượng điện thừa thành nhiệt.

Cấu tạo Biến Tần

Nguyên lý hoạt động của biến tần

- Nhìn chung, nguyên lý làm việc cơ bản của bộ biến tần khá đơn giản. Đầu tiên, nguồn điện xoay chiều 1 pha hay 3 pha được chỉnh lưu và lọc thành nguồn 1 chiều bằng phẳng. Công đoạn này được thực hiện bởi bộ chỉnh lưu cầu diode và tụ điện. Nhờ vậy, hệ số công suất cosphi của hệ biến tần đều có giá trị không phụ thuộc vào tải và có giá trị ít nhất 0.96. Điện áp một chiều này được biến đổi (nghịch lưu) thành điện áp xoay chiều 3 pha đối xứng. Công đoạn này hiện nay được thực hiện thông qua hệ IGBT (transistor lưỡng cực có cổng cách ly) bằng phương pháp điều chế độ rộng xung (PWM). Nhờ tiến bộ của công nghệ vi xử lý và công nghệ bán dẫn lực hiện nay, tần số chuyển mạch xung có thể lên tới dải tần số siêu âm nhằm giảm tiếng ồn cho động cơ và giảm tổn thất trên lõi sắt động cơ.

- Hệ thống điện áp xoay chiều 3 pha ở đầu ra có thể thay đổi giá trị biên độ và tần số vô cấp tuỳ theo bộ điều khiển. Theo lý thuyết, giữa tần số và điện áp có một quy luật nhất định tuỳ theo chế độ điều khiển. Đối với tải có mô men không đổi, tỉ số điện áp – tần số là không đổi. Tuy vậy với tải bơm và quạt, quy luật này lại là hàm bậc 4. Điện áp là hàm bậc 4 của tần số. Điều này tạo ra đặc tính mô men là hàm bậc hai của tốc độ phù hợp với yêu cầu của tải bơm/quạt do bản thân mô men cũng lại là hàm bậc hai của điện áp.

- Hiệu suất chuyển đổi nguồn của các bộ biến tần rất cao vì sử dụng các bộ linh kiện bán dẫn công suất được chế tạo theo công nghệ hiện đại. Nhờ vậy, năng lượng tiêu thụ xấp xỉ bằng năng lượng yêu cầu bởi hệ thống.

- Ngoài ra, biến tần ngày nay đã tích hợp rất nhiều kiểu điều khiển khác nhau phù hợp hầu hết các loại phụ tải khác nhau. Ngày nay biến tần có tích hợp cả bộ PID và thích hợp với nhiều chuẩn truyền thông khác nhau, rất phù hợp cho việc điều khiển và giám sát trong hệ thống SCADA.

Ứng dụng của biến tần

Hệ thống cung cấp nước cho tòa nhà cao tầng
Trước kia, việc cung cấp nước cho tòa nhà cao tầng thường dựa vào việc bơm nước lên tháp rồi đưa nước xuống từng tầng, dùng thiết bị để điều chỉnh áp lực. Phương pháp này không hiệu quả và tốn kém. Với biến tần, chi phí xây dựng tháp nước có thể tiết kiệm được.  
Quạt thông gió

Quạt thông gió thường được sử dụng trong các thiết bị như máy hút bụi, lò thổi và hệ thống thông gió. Biến tần giúp tối ưu hiệu suất hoạt động của động cơ, cho phép điều chỉnh áp lực và lưu lượng theo nhu cầu, giúp tiết kiệm năng lượng.
Hệ thống máy nén khí
Truyền thống, máy nén khí thường sử dụng phương thức mở/vào để điều khiển lưu lượng không khí. Khi áp lực đạt mức cao nhất, máy sẽ ngừng nén và khi áp lực giảm xuống, máy lại bắt đầu hoạt động. Điều này dẫn đến việc tiêu thụ điện năng không hiệu quả.
Hệ thống nâng và hạ
Biến tần giúp tối ưu hóa việc điều chỉnh vị trí, mô-men xoắn và việc hãm trong các ứng dụng như cần trục. Với khả năng tái sinh năng lượng và tra lại vào lưới, biến tần cho hệ thống nâng hạ giúp hoạt động an toàn và tiết kiệm năng lượng.
Biến tần được sử dụng phổ biến để điều khiển tốc độ cho tất cả máy móc trong các ngành, đặc biệt là trong công nghiệp sản xuất và công trường: băng chuyền, máy cắt gỗ, máy nghiền....

Ứng dụng của biến tần

Lợi ích khi sử dụng biến tần 

- Dễ dàng thay đổi tốc độ động cơ, đảo chiều quay động cơ giúp đáp ứng các yêu cầu công nghệ của thiết bị và hệ thống khác nhau.
- Tiết kiệm năng lượng đáng kể so với phương pháp chạy động cơ trực tiếp.
- Giảm dòng khởi động so với phương pháp khởi động trực tiếp, khởi động sao tam giác nên không gây ra sụt áp hoặc khó khởi động.
- Biến tần thường có hệ thống điện tử bảo vệ quá dòng, bảo vệ quá áp và thấp áp, tạo ra một hệ thống an toàn khi vận hành.
- Quá trình khởi động thông qua biến tần từ tốc độ thấp giúp cho động cơ mang tải lớn không phải khởi động đột ngột, khởi động êm, giảm mài mòn cơ khí, tránh hư hỏng phần cơ khí, ổ trục, tăng tuổi thọ động cơ.
- Biến tần được tích hợp các module truyền thông giúp cho việc điều khiển và giám sát từ trung tâm rất dễ dàng giúp cải tiến công nghệ và tăng năng suất sản xuất.
- Nhờ nguyên lý làm việc chuyển đổi nghịch lưu qua diode và tụ điện nên công suất phản kháng từ động cơ rất thấp, do đó giảm được dòng đáng kể trong quá trình hoạt động, giảm chi phí trong lắp đặt tụ bù, giảm thiểu hao hụt điện năng trên đường dây.

5. Video giới thiệu ứng dụng thực tế và so sánh chi tiết của khởi động cứng, khởi động mềm và biến tần

Lời kết

Trong trường hợp bạn có nhu cầu tìm hiểu, cần tư vấn kỹ thuật liên hệ ngay với Amazen thông qua:
Hotline: 0934 399 068 - Sales: 0938 072 058
Email: amazen@amazen.com.vn

Với đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn bán hàng chuyên môn cao, công ty chúng tôi tự tin rằng mang lại cho quý khách hàng trải nghiệm mua hàng tuyệt vời nhất.
Amazen cam kết mọi sản phẩm biến tần mà chúng tôi hiện cung cấp là hàng chính hãng, mới hoàn toàn 100%, đảm bảo chất lượng và đầy đủ giấy tờ chứng nhận CO/CQ và VAT đi kèm.